Vai trò Thư viện đại học
VAI TRÒ CỦA THƯ VIỆN ĐẠI HỌC

LÊ NGỌC OÁNH, ML., GĐ Thư viện ĐH Mở-Bán Công

Trong mạng lưới Thư viện khắp nước ở Việt nam, Thư viện đại học là một định chế đã có từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, vai trò tích cực của Thư viện đại học trong việc đóng góp cho sự phát triển của đất nước vẫn còn là một vấn đề mới mẻ đối với người Việt nam. Trong tiến trình phát triển, thư viện các nước trên thế giới ngày nay đã từ lâu thoát khỏi khía cạnh tĩnh của những kho chứa sách và phòng đọc sách để trở thành năng động hơn. Cho phù hợp với tiến trình phát triển năng động này của các thư viện trên thế giới, Thư viện đại học ở Việt nam ngày nay cần xác định hai vai trò chính yếu sau đây:

  • Thư viện là một trung tâm thông tin tư liệu

  • Thư viện là một động lực đóng góp vào việc cải tiến giáo dục.

Với vai trò của một trung tâm thông tin tư liệu, Thư viện đại học có nhiệm vụ thâu thập tất cả những nguồn kiến thức, kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật trên thế giới phản ánh qua các tài liệu tích lũy, sắp xếp những nguồn tư liệu này thế nào để có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của độc giả. Tuy nhiên với vai trò này Thư viện đại học còn vượt qua khỏi khía cạnh tĩnh của sự thâu thập, sắp xếp và trình bày trước độc giả những nguồn kiến thức tích lũy của từng thư viện để trở thành năng động hơn bằng cách hướng dẫn độc giả trên con đường truy tìm những thông tin cần thiết qua hệ thống các Thư viện bạn, qua các Thư viện trong một vùng, trong một quốc gia, trong một khu vực, hay trên toàn thế giới, Với những công cụ chuyên nghiệp, kỹ thuật và phương tiện có trong tay, các Thư viện đại học có thể thực hiện được nhiệm vụ hướng dẫn độc giả sưu tầm kiến thức, kinh nghiệm trong sự phát triển khoa học kỹ thuật này. Để làm được điều này, Thư viện đại học phải đặt mình trong một hệ thống hợp tác cục bộ, quốc gia hay quốc tế, phổ biến trong hệ thống những nguồn kiến thức, kinh nghiệm mà mình có, đồng thời liên thông với các thư viện khác để có được những nguồn kiến thức, kinh nghiệm mà họ tích lũy. Công nghệ thông tin ngày nay đóng một vai trò chủ yếu trong hệ thống hợp tác liên thông này và các Thư viện ngày nay không thể nào không sử dụng công nghệ thông tin và tham dự vào các mạng lưới.

Với vai trò là một động lực đóng góp vào việc cải tiến giáo dục, Thư viện đại học có nhiệm vụ tuyển chọn và tiếp nhận các sách báo, tài liệu phù hợp của mọi lĩnh vực của chương trình giáo dục và phản ánh tất cả những nguồn kinh nghiệm và sự tiến bộ của toàn bộ thế giới, hầu có đủ dữ kiện để kích thích óc tò mò, nhận xét và phán đoán của sinh viên, để chuyển hóa nền giáo dục từ lãnh vực từ chương sang lãnh vực học hỏi, sưu tầm, giúp cho nền giáo dục đại học nước ta theo kịp trào lưu tiến hóa của thế giới.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, Thư viện đại học cần có một bộ sưu tập tài liệu đầy đủ mọi loại, gồm sách giáo khoa, tài liệu phê bình khảo cứu, băng hình, đĩa CD-ROM. Các sưu tập này phải rất phong phú, bao gồm các lãnh vực của giáo trình đại học với một tuyển tập sách tham khảo (reference collection) thật đầy đủ và có tính cách bác học để giúp sinh viên tìm tòi, khảo cứu, đồng thời giúp ban giảng huấn cải tiến phương pháp giảng dạy ở đại học, hầu chuyển phương pháp giảng dạy từ thuyết trình sang phương pháp dạy học nêu tình huống có vấn đề thảo luận, hầu chuyển phương pháp học tập từ thuộc lòng sang phương pháp tìm tòi, phát minh, sáng tạo.

Ở đây, người Cán bộ Thư viện đại học sẽ đóng vai trò một thuyết khách đối với ban giảng huấn và một hướng dẫn viên đối với các sinh viên trong công việc khởi xướng và khuyến khích sử dụng sách báo, tài liệu của Thư viện để tham khảo, sưu tầm, học hỏi thay cho những bài giảng và giáo trình.

Trong nền giáo dục đại học nhiều nước trên thế giới ngày nay, ở cuối mỗi buổi học của môn học, ông thầy thường chỉ nêu một vấn đề cần nghiên cứu để giải quyết và chỉ cho sinh viên năm bảy cuốn sách để tìm đọc trong Thư viện và làm bài tổng kết tóm tắt. Buổi học sau, sinh viên nộp bài và cùng nhau thảo luận về vấn đề này, thầy làm trọng tài để xác định kiến thức hay cách giải quyết nào là đúng đắn. Cuối mỗi môn học, sinh viên làm một khóa luận (term paper) hay bài thực hành (practice) về một trọng tâm của chương trình. Ông thầy đánh giá khả năng nhận thức của sinh viên trên các bài nộp hàng tuần và cuối khóa chứ không phải trên bài thi viết, dùng trí nhớ của sinh viên ở cuối khóa. Sau mỗi môn học như vậy sinh viên nắm vững phương pháp nghiên cứu và thực hành môn học của mình.

Ta có thể so sánh hai phương pháp dạy và học bằng giáo trình, bài giảng và bằng thư viện qua sơ đồ sau đây:
 

Phương tiện dạy và  học
Phương pháp dạy
Phương pháp học
Vận dụng 
tâm lý
Phương pháp đánh giá
Tính cách nền giáo dục
Giáo trình bài giảng
Thuyết trình diễn giải
Học thuộc lòng
Trí nhớ
Qua kỳ thi
Từ chương
Thư viện
Nêu vấn đề thảo luận
Sưu tầm nghiên cứu
Óc phân tích, tổng hợp, sáng tạo
Xét công trình nghiên cứu, sáng tạo
Học hỏi, sưu tầm, khảo cứu

Dĩ nhiên, để thiết lập được một Thư viện đại học có đầy đủ nguồn tư liệu phản ánh được những kiến thức, kinh nghiệm phong phú như vậy để có thể thực hiện được hai vai trò nêu trên, nó đòi hỏi một thời gian tích lũy lâu dài. Tuy nhiên nếu chúng ta không bắt đầu ngay từ bây giờ nhất là không bắt đầu bằng những chuẩn mực về kỹ thuật nghiệp vụ, chúng ta sẽ không bao giờ có được những Thư viện đại học theo đúng nghĩa của nó.