vai tro cua Thu vien
VAI TRÒ CỦA  THƯ VIỆN ĐẠI HỌC
TRONG VIỆC ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC

LÊ NGỌC OÁNH, ML., Thư viện ĐH Mở-Bán Công

 Trong quá trình thay đổi quan niệm về vai trò và nhiệm vụ của thư viện trên thế giới ngày nay đã thoát khỏi khía cạnh tĩnh của những kho chứa sách và phòng đọc sách để trở thành năng động hơn đối với ba vai trò chính yếu sau đây:

  • Thư viện là một cơ quan truyền thông đại chúng;

  • Thư viện là một trung tâm phát triển văn hóa;

  • Thư viện là một động lực đóng góp vào việc đổi mới giáo dục.

Giữa ba vai trò trên, thư viện đại học đã làm nổi bật vai trò là một động lực đóng góp vào việc đổi mới giáo dục. Với vai trò này, thư viện đại học đã làm thay đổi phương pháp dạy và học trong nền giáo dục đại học.

Trước hết thư viện đại học đã hỗ trợ cho việc thay đổi phương pháp giảng dạy ở bậc đại học. Thay vì lên lớp thuyết trình, diễn giải một vấn đề qua các bài giảng và giáo trình, các vị giáo sư, giảng viên đã đưa vào nguồn tài liệu phong phú saün có của thư viện, nêu tình huống của vấn đề để hướng dẫn sinh viên sưu tầm, tham khảo, nghiên cứu tài liệu thư viện hầu có đủ dữ liệu để đặt vấn đề, thảo luận và tìm ra chân lý. Thay vì cho biết trước chân lý, các Giáo sư đã hướng dẫn sinh viên tự tìm ra chân lý. Các Giáo sư đã hướng dẫn sinh viên khảo sát qua các nguồn kinh nghiệm tích lũy trước khi đạt tới lời giải đáp cho vấn đề được đặt ra.

Thư viện đại học cũng giúp rất nhiều cho việc thay đổi phương pháp học tập ở bậc đại học. Thay vì học thuộc lòng bài giảng hay giáo trình của thầy, các sinh viên phải đến thư viện tìm kiếm, theo sự hướng dẫn của thầy, các tài liệu liên quan đến đề tài, đem thảo luận, hay vấn đề khảo sát. Thư viện đại học sẽ cung cấp cho sinh viên nhiều nguồn thông tin, tri thức khác nhau; Sinh viên phải làm công việc chọn lựa, phân tích, so sánh đánh giá tổng hợp những thông tin tri thức này để đưa ra nhận xét rút ra kết luận riêng của mình. Những nhận xét và kết luận này sẽ được trình bày trên một bài làm tóm tắt (Khoảng 2 hay 3 trang giấy) và nộp vào một buổi học sau, và  hàng tuần để đưa ra lớp thảo luận và để thầy giáo đánh giá.

Về phương diện tâm lý giáo dục, Thư viện đại học đã làm thay đổi phương cách vận dụng tri thức của người học. Thay vì tận dụng ký ức để nhớ nằm trong những điều trình bày, trong bài giảng hay giáo trình người sinh viên được tự do chọn lựa nguồn thông tin, kiến thức, rồi vận dụng óc phân tích đối chiếu để đi đến một sự tổng hợp có tính sáng tạo.

Thư viện đại học cũng làm thay đổi phương pháp đánh giá người học. Thay vì đánh giá một sinh viên chỉ qua kết quả của kỳ thi cuối khoá, các Giáo viên đánh giá sinh viên mình qua suốt công trình đóng góp trong một khóa học. Mỗi tuần một bài làm cho một môn học, mỗi khóa một hay hai khóa luận dài chừng vài chục trang giấy cho một bộ môn. Giáo viên sẽ đánh giá sinh viên của mình qua tất cả công trình nghiên cứu hay sáng tạo đó. Bài thi cuối khóa có thể chỉ là một bài trắc nghiệm nhỏ, chiếm một tỷ lệ nhỏ nhoi trong tổng số điểm đánh giá một sinh viên.

Kết quả của đường lối giảng dạy và học tập như vậy sẽ xóa bỏ lối học tầm chương, trích cú để đưa đến một nền giáo dục đại học có tính cách học hỏi, truy tìm, sưu tầm, khảo cứu và sáng tạo.

Quay về với hiện trạng của chúng ta việc học tập giảng dạy ở bậc đại học, dĩ nhiên, chưa thể nào thực hiện ngay được tất cả những điều trình bày ở trên vì các thư viện đại học của chúng ta còn non yếu. Chúng ta cần có một thời gian dài tích lũy và chuẩn bị. Chúng ta cần tích lũy về nguồn thông tin tri thức, chúng ta cần chuẩn bị về kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ và nhân sự. Nhưng chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ.

Về phương diện các nguồn thông tin tri thức, thư viện đại học có nhiệm vụ tuyển chọn tiếp nhận và tích lũy một sưu tập phong phú các sách báo, tài liệu phù hợp với mọi lãnh vực của chương trình giáo dục và phản ánh cả nguồn kinh nghiệm và sự tiến bộ của toàn thế giới, hầu có đủ dữ kiện để kích thích óc tò mò, nhận xét và phán đoán của sinh viên. Thư viện cần thu thập thật nhiều các xuất bản phẩm trong nước cũng như một số các xuất bản phẩm chủ yếu về khoa học kỹ thuật ở nước ngoài.

Đến đây, ta phải bàn đến vấn đề các ngành văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật ở trong nước phải thúc đẩy mạnh việc trước tác, biên dịch, xuất bản và phát hành những tác phẩm có giá trị và có tính cách bác học để cung cấp và làm phong phú cho các nguồn tài liệu của thư viện đại học.

Người cán bộ thư viện đại học phải làm quen với thị trường xuất bản, phát hành trong nước cũng như nước ngoài và các thư viện đại học phải được tiếp thị một cách mạnh mẽ về các sản phẩm có giá trị giáo dục và khảo cứu của các nhà xuất bản và phát hành. Thư viện đại học và xuất bản, phát hành phải đi song song với nhau trong tiến trình phát triển.

Về phương diện kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, các thư viện đại học phải kết hợp với nhau trong một hiệp hội để đi tới việc chuẩn hóa nghiệp vuï như các qui tắc về mô tả, hệ thống phân loại và ấn định các tiêu đề đề mục, cũng như các qui định về tổ chức kho, xếp giá sách, làm thủ tục mô tả về sách báo và tài liệu điện tử. Hơn nữa, các thư viện đại học còn phải kết hợp với nhau trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thư viện: Biên mục trên máy tính, tra cứu tài liệu, tự động hóa trong các khâu mượn trả, quản lý độc giả, quản lý tài liệu, thống kê, vv...

Các thư viện đại học cũng phải kết hợp với nhau trong việc nối mạng, hòa mạng Internet để tiến tới việc hợp tác trong chia sẻ biên mục trực tuyến, cho mượn liên thư viện và hội nhập với các thư viện đại học trên thế giới.

Vấn đề cuối cùng là về phương diện nhân sự, nhưng cũng là vấn đề trước tiên phải thực hiện. Thư viện đại học cần những cán bộ có lý tưởng đóng góp vào việc đổi mới giáo dục đại học, đổi mới hệ thống thư viện đại học trong nước cho phù hợp với đà tiến bộ của các thư viện trên thế giới hiện nay, cập nhật những kiến thức mới về khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin theo kịp những sự thay đổi về chuyên môn nghiệp vụ.

Nói đến đây, chúng ta lại đặt ra vấn đề đào tạo. Chúng ta cần có một chương trình đạo tạo có tính cách năng động và thực tiễn hơn. Chúng ta phải bỏ đi những gì lỗi thời và thêm vào những kỹ thuật chuyên môn mới. Chúng ta phải chú trọng đến phần thực hành: học là phải làm được, sau phần lý thuyết là phải có thực hành. Sinh viên ngành Thư viện thông tin học được đào tạo xong đến một thư viện nào là phải bắt tay được vào công việc ngay để xây dựng một thư viện theo chuẩn mực và bắt tay vào một cách hăng say hứng thú và không đòi hỏi quyền lợi một cách quá đáng mà phải nghĩ đến lợi ích chung trong ngành giáo dục .

Trên đây là cả một bước đường dài để thư viện đại học chuyển mình và chỉ khi nào ngành thư viện đại học thay da đổi thịt như trên mới có thể đóng góp hữu hiệu cho sự nghiệp đổi mới và phát triển giáo dục hiện đại.