Xay dung he thong tieu de de muc Viet ngu - tro ngai chu nghia
XÂY DỰNG HỆ THỐNG TIÊU ĐỀ ĐỀ MỤC VIỆT NGỮ:
NHỮNG TRỞ NGẠI VỀ HIỆN TRẠNG "CHỮ NGHĨA"

NGUYỄN CỬU SÀ, BA. - Thư viện ĐH Khoa học Huế

Người ta thường nói ngôn ngữ cũng như đời sống, có sinh ra, lớn lên, trưởng thành, phát triển rồi già cỗi và chết đi. Trong quá trình chuyển biến đó, ngôn ngữ mang trên mình màu sắc, dấu ấn của thời đại, lịch sử và xã hội. Không kể những liên hệ huyết thống với Hán ngữ, Việt ngữ thế kỷ XX chứa đựng nhiều vết tích văn minh và ngôn ngữ Âu Tây. Hiện trạng đó của Việt ngữ, bên cạnh những yếu tố tích cực, tiến bộ, cho thấy một tình trạng hỗn tạp gây khó khăn, trở ngại cho công tác thư viện, cụ thể là việc thực hiện hệ thống tiêu đề đề mục Việt ngữ. Chúng ta thử điểm qua những trở ngại chủ yếu như: về phiên âm, về tên đất tên người, về từ đồng nghĩa.

  1. Về cách phiên âm.- Đầu thế kỷ XX, qua tiếp xúc với người Pháp và ngôn ngữ của họ, ta thấy xuất hiện trong Việt ngữ một số từ gốc Pháp: nhà ga, xe ôtô, xà phòng, bia ... Ban đầu người ta trung thành với cách viết của chữ quốc ngữ và tính chất đơn âm của Việt ngữ nên ta thấy viết: nhà ga (không ga rơ) ô-tô (không ô tô mô bin), xà-phòng (không xa-vông). Đáng chú ý: người ta sử dụng dấu ngang (-) để kết hợp các âm của cùng một từ. Về sau đối với các chất hóa học, một số ít người ta dịch nghĩa: dưỡng khí, thán khí, lưu huỳnh ... còn phần lớn các chất khác được phiên âm theo rất nhiều cách:

      [acid] -> A - xít (rời, có ngang); A xít (rời, không ngang), Axit (viết liền), Acid (Anh ngữ), Acide (Pháp ngữ).

  2. Về tên đất, tên người.
    Đối với loại này khuynh hướng chính vẫn là phiên âm theo nguyên ngữ; nhưng thực tế đôi khi lại căn cứ hoặc Anh ngữ hoặc Pháp ngữ, vì thế không thống nhất, gây lệch lạc. Lại nữa, trước đây ta hay theo cách phiên âm của người Trung Hoa rồi lại đọc theo âm Hán Việt tạo nên cách đọc riêng không giống Tàu cũng không giống Tây:

      Paris -> Ba-lê; Ba lê; Pari.
      London -> Lơn-đơn; Lơn đơn, Luân đôn.
      Montesquieux -> Mông-tex-ki-ơ; Mạnh-đức-tư-cưu . . .

    Về tên người tên đất Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tương tự: bên cạnh cách đọc và phiên âm theo la-tinh còn có cách đọc Hán Việt:

      Mao-Tsé-Toung -> Mao Trạch Đông
      Kim Il-sung -> Kim Nhật Thành
      Pé-King -> Bắc Kinh
      Tokyo -> Đông Kinh.
      . . .

    Vì tính chất liên hệ đặc biệt giữa Hoa ngữ và Việt ngữ, cách đọc Hán Việt trong nhiều trường hợp đã in sâu trong đầu người Việt nên đáng được trân trọng.

    Ngoài ra các địa danh Việt Nam vùng cao cũng đáng được lưu ý cách viết, cách phiên âm. Ở đây ta thấy Việt ngữ không còn thuần đơn âm mà có những hình thức khác lạ: Kontum, Darlac (Đăklăk), Pleiku, Gia lai, Krông Pa, Krông Năng ... Cách viết của những địa danh này cũng gây nhiều khó khăn vì vô cùng phức tạp; ngay cả những văn bản hành chánh của Nhà nước cũng không thống nhất.

    Danh xưng các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng gặp tình trạng tương tự: Dân tộc H'mông, Rhađê, Bahnai ...

    Tên các hiệp hội quốc tế cũng lắm nhiêu khê; thí dụ các danh xưng: Liên hiệp quốc, Liên hợp quốc, U.N.E.S.C.O., F.A.O. ... Liệu ta phải dịch, để nguyên ngữ theo Anh ngữ hoặc viết tắt? 

  3. Về các từ đồng nghĩa.- Đây là một vấn đề nữa đáng lưu ý. Trong quá trình phát triển, chịu ảnh hưởng của lịch sử, xã hội, kỹ thuật ... ngôn ngữ nào cũng có hiện tượng các từ đồng nghĩa. Việt ngữ cũng thế. Riêng Việt nam ta chịu ảnh hưởng thêm bởi yếu tố địa lý nên mỗi địa phương thường có những tên gọi khác nhau cho cùng một sự vật, chẳng hạn như: miền Nam gọi là "Phi cơ trực thăng", thì miền Bắc gọi là "Máy bay lên thẳng", khi nói về một vật nuôi miền Bắc gọi là "Lợn" trong khi đó miền Nam gọi là "Heo". Ngày nay nhiều từ đã biến nghĩa do cách sử dụng lệch lạc. Thí dụ thay vì nói: "đi nhanh lên" thì nói: "đi khẩn trương lên". Từ "khẩn trương" như thế bỗng mất đi cái nghĩa vốn có: biểu hiện một trạng thái tâm lý của con người. Ta vẫn thường thấy trên báo chí, trên đài cách nói ngô-nghê: "người dân tộc" với hiểu ngầm là "người dân tộc thiểu số". Nói tắt, nói gọn trong trường hợp này là không ổn, thư viện không thể có tiêu đề đề mục: "NGƯỜI DÂN TỘC".

Đứng trước hiện trạng phức tạp đó của Việt ngữ người làm thư viện phải có thái độ và hành xử ra sao? Xin nêu mấy ý kiến sơ khởi:

  • Trước hết ta không rối trí, kiên trì tìm hiểu nguyên ủy của mỗi hình thái, của mỗi cách viết. Muốn thế dù sao cũng không thể bỏ qua nguồn tư liệu ở các từ điển nhất là các từ điển có tính chất từ nguyên.

  • Nắm bắt, ghi nhận đầy đủ các hình thái cơ bản của mỗi cách viết. Không quá tham lam để chấp nhận hết mà cần lược bỏ những trường hợp quá cổ, hiện ít được dùng. Thí dụ cách viết chữ K thay cho chữ C, chữ Z, F thay cho D, Ph...

  • Mạnh dạn chọn một hình thái, một từ chính thức để áp dụng thống nhất tại thư viện, cho các tủ thư mục, cho khung phân loại đang được sử dụng, cho hệ thống tiêu đề đề mục. Hiển nhiên cái được chọn phải chính xác, hợp lý và phổ cập nhất.

  • Cuối cùng không quên sử dụng hình thức tham chiếu để qui chiếu tất cả các hình thái, các cách viết, các từ đồng nghĩa ... về hình thức đã được thư viện chọn dùng.

Tri thức nhân loại phát triển không ngừng đến vô cùng, chữ nghĩa sách vở chuyên chở kiến thức cũng theo đà đó song song. Thật gian khó thay cho người làm thư viện, khi họ phải chu toàn nhiệm vụ cung cấp tư liệu, kiến thức phục vụ người đọc. Hy vọng các nhà ngôn ngữ học, Nhà nước và giới chức thẩm quyền của các ngành có nhiều nỗ lực hơn nữa để Việt ngữ sớm được tiêu chuẩn hóa. Mong lắm thay!