Subject Headings - Tiêu đề đề mục

SUBJECT HEADINGS: HIỂU VÀ DÙNG TỪ NHƯ THẾ NÀO ?

NGUYỄN MINH HIỆP, BA., MS., GĐ. Thư viện ĐH Khoa học Tự nhiên

Trong tài liệu nghiệp vụ Thông tin Thư viện Tiếng Anh, Subject có hai nghĩa:

  • subject = chủ đề là nghĩa thông thường

  • subject = đề mục khi subject là cách viết thu gọn của subject heading. Sở dĩ có cách viết thu gọn là vì Subject heading quá thông dụng trong ngành thông tin thư viện. Subject trong nghĩa này thường

    • đi với subject catalog = mục lục đề mục

    • xuất hiện trong những trang màn hình của một hệ thống mục lục trực tuyến (online catalog).

            Ví dụ:    AUTHOR (Tác giả)        TITLE (Nhan đề)        SUBJECT (Đề mục)

Heading là Tiêu đề. Trong ngành thông tin thư viện, Tiêu đề mang ý nghĩa là Điểm truy cập (Access point). Nói cách khác, Tiêu đề hay Điểm truy cập là Một tên gọi, Một từ, hay Một ký hiệu, qua đó người tìm tin có thể tìm kiếm và định vị được thông tin.

Trong một biểu ghi thư mục (bibliographic record), mỗi tiêu đề mang mỗi ý nghĩa khác nhau phản ánh công dụng khác nhau của mỗi điểm truy cập giúp độc giả định vị thông tin hay tập trung tài liệu theo yêu cầu:

  • author heading = tiêu đề tác giả: định vị và tập trung tài liệu theo tác giả

  • title heading = tiêu đề nhan đề: định vị và tập trung tài liệu theo nhan đề

  • subject heading = tiêu đề đề mục: định vị và tập trung tài liệu theo đề mục hay nội dung

Trong công tác biên mục (cataloging), ba tiêu đề trên được gọi là những tiêu đề có thẩm quyền (authority) hay tiêu đề chính. Điều này chi phối công việc thiết lập hệ thống tra cứu trong Hệ thống mục lục (catalog system) và công việc phân tích hệ thống (system analysis) để thiết lập nên những phần mềm quản lý thông tin thư viện. Nói theo cách của nhà thư viện học, việc thiết lập hệ thống tra cứu phải tuân theo việc Kiểm soát tiêu đề chính (Authority Control), đó là Tiêu đề tác giả, Tiêu đề nhan đề, và Tiêu đề đề mục. Đó là lý do Hệ thống mục lục phải và chỉ bao gồm:

  • mục lục tác giả (author catalog)

  • mục lục nhan đề (title catalog)

  • mục lục đề mục (subject catalog)

Trong đó việc thiết lập mục lục đề mục là công việc chính của công tác biên mục. Vì để tạo nên những đề mục hay tiêu đề đề mục, người cán bộ biên mục phải biết vận dụng kỹ thuật và nghệ thuật thiết lập tiêu đề đề mục. Mỗi tiêu đề đề mục phản ánh một nội dung của tài liệu. Một tài liệu có nhiều nội dung thì phải có nhiều tiêu đề đề mục để phản ánh đầy đủ nội dung tài liệu đó. Những tiêu đề đề mục được đưa vào trong hệ thống mục lục để độc giả tra cứu. Như thế hệ thống mục lục đề mục phản ánh toàn bộ nội dung kho tài liệu. Do đó tiêu đề đề mục (subject heading) trở nên hết sức thông dụng trong ngành Thông tin Thư viện từ khi Thư viện học được xem như một ngành khoa học và được học tập và giảng dạy khắp nơi trên thế giới từ lâu.

Chúng ta phải hiểu biết cặn kẽ tính ưu việt của tiêu đề đề mục như được trình bày ở trên để thấy rằng ngành thư viện học nói chung và biên mục học nói riêng trên thế giới được học tập, giảng dạy, và áp dụng hợp lý như thế nào:

  • Xác định mục đích: Mục đích của thư viện là kết nối con người với thông tin họ muốn có

  • Biện pháp thực hiện: Tài liệu chứa trong thư viện phải được tìm thấy bất cứ lúc nào để cung cấp thông tin độc giả cần

  • Phương thức thực hiện chủ yếu:

    1. xếp tài liệu trên giá theo môn loại (Mục đích chính của công tác phân loại)

    2. ấn định mỗi tài liệu một hay nhiều tiêu đề đề mục để phản ánh nội dung và đưa vào trong hệ thống mục lục thư viện (Công tác biên mục đề mục)

  • Từ đó công tác biên mục bao gồm:

    1. biên mục mô tả

    2. biên mục đề mục

    3. phân loại

Tóm lại chúng ta cần phải biết phân biệt hai nghĩa của từ Subject (Chủ đề) và Subject (Đề mục) để dịch và hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của Subject Heading là Tiêu đề đề mục chứ không phải là Đề mục chủ đề như có một số đồng nghiệp hiện đang dùng.

Muốn biết thêm chi tiết hơn về Tiêu đề đề mục, Sự khác nhau giữa Tiêu đề đề mục với Từ khóa, và những chủ đề khác về Khoa học Thông tin Thư viện, quý đồng nghiệp có thể tham khảo trên hai web sites sau đây của Thư viện Cao học trên mạng Internet:

Nếu có thắc mắc và trao đổi xin liên lạc qua địa chỉ: nmhiep@hcmuns.edu.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. ALA: Từ điển giải thích Thư viện học và Tin học Anh Việt / Dịch giả: Phạm Thị Lệ Hương, Lâm Vĩnh Thế, và Nguyễn Thị Nga. - Tucson, Arizona : Galen Press, Ltd., 1996.

  2. ANDERSEN, ELAINE. Learn Basic Library Skills / Elaine Andersen, Mary Gosling, và Mary Mortimer. - Canberra : DocMatrix Pty Ltd., 1998.

  3. BIAL, LINDA LAPUMA. Cataloging & Classification. - Urbana-Champaign: Graduate School of Library and Information Science, UIUC, 1996.

  4. BLANC-MONTMAYEUR, MARTINE. Choix vedettes matières à l'intention des bibliothèques / Martine Blanc-Montmayeur và Francoise Danset. - nouvelle édition. - Paris : Cercle de la Librarie, 1997.

  5. Cataloging. - Boston, Massachusetts : Graduate School of Library and Information Science, Simmons College, 1995.

  6. CHAN, LOIS MAI. - Cataloging and Classification : An Introduction. - New York : McGraw-Hill, 1994.

  7. CHAN, LOIS MAI. - Library of Congress Subject Headings : Principle and Application. - 3rd Edition . - Englewood, Colorado : Libraries Unlimited, Inc., 1995.

  8. HUNTER, ERIC J. Classification Made Simple. - Hampshire : Gower, 1988.

  9. GANENDRAN, JACKI. Learn Subject Access. - 2nd Edition. - Canberra : DocMatrix Pty Ltd., 1998.

  10. MORTIMER, MARY. Library Speak : A Grossary of Terms in Librarianship and Information Management.- Canberra : DocMatrix Pty Ltd., 1998.