Bàn thêm về TDDM
BÀN THÊM VỀ "TIÊU ĐỀ ĐỀ MỤC" (SUBJECT HEADINGS)

NGUYỄN CỬU SÀ, BA. - Thư viện ĐH Khoa học Huế

Trong hiện tình của thư viện Việt Nam vấn đề "Tiêu đề đề mục" vẫn là chuyện dài còn bỏ ngỏ. Thời gian bỏ ngỏ e còn lâu, nay xin góp chuyện, bàn thêm.

Trước hết thử điểm xem các thư viện trên đất nước Việt Nam hiện nay có bao nhiêu thư viện tổ chức Mục lục tiêu đề đề mục để phục vụ độc giả? Có chăng chỉ là Thư viện Cao học - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cùng một số thư viện đại học khác trong CLB Thư viện và các thư viện y khoa vốn có một hệ thống mục lục đề mục chuyên ngành riêng biệt. Trong số các thư viện này mỗi thư viện lại có cách giải quyết riêng không ai giống ai. Hiện nay phần lớn các thư viện, nhất là các thư viện miền Bắc, đều chưa có Mục lục TĐĐM; tình trạng này có thể kéo dài chưa biết đến bao giờ mới được cải thiện. Đây là một lỗ hổng về chuyên môn. Giới thư viện hiện nay cũng có nhiều người thấy được vấn đề và trong chương trình giảng dạy của ngành Thông tin Thư viện cũng có đề cập bằng cách đưa vào giảng dạy môn "Định Chủ đề", nhưng để làm gì thì điều này không rõ ràng và chưa có thư viện nào sử dụng cái học "Định chủ đề" để làm một cái gì đó hợp lý cho thư viện mình bởi vì chương trình vẫn dạy Mục lục Phân loại và hầu hết các thư viện vẫn tổ chức Mục lục phân loại. Có lẽ đây chính là điều "chưa thuyết phục nổi lãnh đạo" (như lời của đồng nghiệp Tạ Thị Thịnh trong Bản tin Điện tử CLB Thư viện số 10/2000). Giới chuyên môn hiện nay dễ dàng nhận biết rằng Mục lục Phân loại vốn có công dụng tổ chức kệ sách, tổ chức kho. Điều đơn giản để nhận xét, so sánh là một quyển sách trong Mục lục Phân loại chỉ tương ứng với một ký hiệu của khung phân loại trong khi đó ở Mục lục TĐĐM, quyển sách đó có thể có hai, ba đề mục có trong nội dung. Việc tìm tư liệu qua Mục lục TĐĐM do đó rộng hơn, đầy đủ hơn qua Mục lục Phân loại. Và chính vì thấy sự thiệt thòi đó của bạn đọc khi sử dụng Mục lục Phân loại cũng như thấy những hạn chế, bất cập của mục lục này nên người ta lại ghi thêm ký hiệu phân loại thứ hai thứ ba có trong nội dung sách ở cuối mỗi thẻ mục lục - một quyển sách có một ký hiệu phân loại chính và một hay hai ký hiệu phân loại phụ!

Do đó việc đề cập đến "đề mục chủ đề" hay tổ chức dạy "Định chủ đề" chỉ có trên giấy tờ và lý thuyết chứ chưa thật sự hiện hữu trong Hệ thống mục lục của thư viện, nói chi đến một Hệ thống TĐĐM đúng nghĩa. Vì thế việc xây dựng Hệ thống TĐĐM Việt ngữ tiêu chuẩn là việc làm cấp thiết hiện nay. Nhưng ai là người có trách nhiệm và thẩm quyền điều hành, thực hiện công cuộc này? Trên nguyên tắc hiện nay có thể đó là nhiệm vụ của Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia; bên cạnh đó có một tổ chức có thể mệnh danh là Ban soạn thảo TĐĐM mà thành viên gồm các chuyên gia thư viện đại diện đầy đủ các loại hình thư viện; trong quá trình thực hiện còn mở rộng, tham khảo ý kiến của các chuyên ngành khoa học. Hiển nhiên một công trình như thế cần có nhân sự đủ thẩm quyền, thật sự có năng lực chuyên môn để chỉ đạo, điều hành công tác; thêm vào đó là một kinh phí cho một dự án không phải nhỏ giọt, tạm thời mà là cho một dự án dài hơi có định kỳ tu chính.Trong hiện tình ngành thư viện Việt Nam, dự án vừa nêu có lẽ chỉ là lý thuyết, khó thực hiện. Như thế những người trong ngành và các thư viện hẳn phải chọn con đường tự lực cánh sinh, cùng nhau chung sức xây dựng mõt Hệ thống TĐĐM hầu cải thiện tổ chức mục lục đáp ứng nhu cầu tham khảo của độc giả. Có thể đề nghị chọn một đơn vị thư viện đủ khả năng và phương tiện đăng cai chủ trì công trình. Xin thử đề nghị một địa chỉ: Thư viện Cao học, ĐHQG TP. HCM. Đơn vị này có nhiệm vụ thành lập Ban soạn thảo, thiết kế dự án, tìm nguồn tài trợ kinh phí và tiến hành công tác. Sau đây xin nêu một số gợi ý:

  • Trên thực tế các thư viện thường xây dựng Hệ thống TĐĐM của mình theo phương thức tiệm tiến, căn cứ vào vốn sách bổ sung theo thời gian; dĩ nhiên họ phải tham khảo các bảng TĐĐM hoàn chỉnh của ngoại quốc và phải tuân thủ các nguyên tắc quốc tế. Cách làm này giải quyết một cách thực tiễn, kịp thời các yêu cầu tham khảo nhưng không biết đến bao giờ mới hoàn tất được hệ thống TĐĐM dù cho có hoàn thành tái tổng kê, phân loại vốn sách đã có. Dù sao phương thức này cũng lệ thuộc bảng TĐĐM ngoại quốc đã tham khảo. Hơn nữa đó là cách làm một mâm một chiếu thiếu tính liên kết, tương trợ, khó chấp nhận.

  • Một phương thức khác là căn cứ vào khung phân loại đang sử dụng để xây dựng Hệ thống TĐĐM. Trên nguyên tắc một khung phân loại phải biểu hiện toàn bộ các lĩnh vực kiến thức nhân loại làm ta yên tâm về tính chất bao quát của nó. Nhưng về mặt thực hiện, các ký hiệu phân loại lại có tính chất cô đọng, đơn giản hóa, không biểu hiện đầy đủ và tinh tế bằng TĐĐM mà chất liệu cấu tạo là ngôn ngữ. Hơn nữa mức độ phân tích của khung phân loại không tương hợp và giới hạn hơn mức độ phân tích của TĐĐM. Trong khung phân loại thường không có đủ ký hiệu cho các khoa học liên ngành và thiếu hẳn các TĐĐM tổng hợp có liên từ "và" (ĂN MÒN VÀ CHẤT CHỐNG ĂN MÒN, PHỤ NỮ VÀ TRUYỀN HÌNH, THIẾU NHI VÀ VẤN ĐỀ PHẠM PHÁP... ). Lại nữa, trong hệ thống TĐĐM ngoài hệ thống dọc các đề mục xếp theo thứ tự mẫu tự còn có hệ thống ngang giữa các đề mục có liên hệ giúp bạn đọc tham khảo đầy đủ các lĩnh vực liên quan rộng hơn hay hẹp hơn đối với đề tài đang tìm.
    Thí dụ:
                  CHIM
                  X    CHIM MỒI
                        CHIM SĂN
                         ...
                         và các loài chim: HỌA MI, SƠN CA, VÀNH KHUYÊN,...
                  XX   ĐIỂU HỌC

    Khung phân loại không thể có hệ thống này của TĐĐM. Do đó khi dùng cách này cần bổ túc những thiếu sót đó cũng bằng cách tham khảo một bảng TĐĐM hoàn chỉnh của ngoại quốc.

  • Qua các phương thức nêu trên việc tham khảo một bảng TĐĐM ngoại quốc được coi là cần thiết. Do đó ta có thể yên tâm nghĩ đến cách xây dựng hệ thống TĐĐM Việt ngữ bằng chuyển dịch và cải biên từ một bảng TĐĐM ngoại quốc. Hệ thống TĐĐM đươc chọn phải ở tầm cỡ quốc gia, ta có thể chọn hệ thống TĐĐM của Thư viện Quốc hội Mỹ (LCSH). Các vùng đề mục cần được cải biên trước hết thuộc về Việt Nam (lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn học,...); việc thực hiện các đề mục này cần tham khảo ý kiến các nhà khoa học trong ngành. Phương thức chuyển dịch và cải biên từ một bảng TĐĐM ngoại quốc thiết nghĩ là con đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất để đạt mục tiêu đã nêu.

Một điều quan trọng cần lưu ý khi xây dựng TĐĐM Việt ngữ là vấn đề ngôn từ và chính tả. Khi Việt Nam chưa có hàn lâm viện để có được Việt ngữ tiêu chuẩn, giới thư viện cần mạnh dạn, quyết đoán, tiên phong xây dựng một Hệ thống TĐĐM Việt ngữ hợp lý, phổ quát được đại quần chúng chấp nhận. Đây là một việc làm đầy khó khăn đòi hỏi nhiều nỗ lực và phải vô cùng cẩn trọng nhưng đồng thời phải mạnh dạn vượt qua những quán tính sai lầm, những mặc cảm tự tôn cũng như tự ti để đạt kết qủa xứng đáng, tốt đẹp. Đến đây xin nêu một thí dụ: Đối với thuật ngữ thư viện: "Subject Headings" phải chuyển dịch sao đây? Sau khi được nghe đồng nghiệp Lê Ngọc Oánh nói có sách mách có chứng, giải thích cặn kẽ, đầy thuyết phục trong Bản tin Điện tử CLB Thư viện số 10/2000, lẽ nào ta không tâm phục khẩu phục mà chọn danh xưng "Tiêu đề đề mục"? Và dĩ nhiên ta cũng không quên hình thức tham chiếu:

                     ĐỀ MỤC CHỦ ĐỀ
                            xem
                            TIÊU ĐỀ ĐỀ MỤC