Dewey với DDC
DEWEY VÀ DDC

NGUYỄN MINH HIỆP, BA., MS., GĐ Thư viện ĐH Khoa học Tự nhiên

Hệ thống phân loại thập phân Dewey DDC ngày nay được phổ biến rộng rãi trên thế giới đã được phát minh cách đây 130 năm bởi một sinh viên làm việc bán thời gian tại Thư viện Đại học Amherst, Massachusetts, Hoa kỳ. Đó chính là chàng sinh viên 21 tuổi Melvil Dewey.

Tên đầy đủ của Dewey là Melvil Louis Kossuth Dewey. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở trung tâm Adams, một thị trấn vùng cao bang New York vào một ngày khá ấn tượng cho người tạo ra Bảng Phân loại thập phân - 10/10/1851.

Thời ấy việc phân loại sách đòi hỏi phải phân loại lại mỗi khi vốn tài liệu tăng lên vượt ra ngoài không gian giá sách, vì nói chung ký hiệu phân loại được gắn với vị trí của tài liệu trên giá. Ngày nay người ta gọi các phương pháp phân loại đó là hệ thống "vị trí cố định". Trong các hệ thống này, sách được đặt tại vị trí vật lý cố định trong thư viện, chứ không phải trong không gian tri thức của một hệ thống phân loại theo chủ đề. Mỗi khi vốn tài liệu thư viện tăng lên vượt khả năng xếp giá thì lại phải phân loại lại. Vị trí cố định không thể giữ nguyên từ tòa nhà này sang tòa nhà khác, bởi vì cách tổ chức sắp xếp và số lượng các hàng các giá là khác nhau, và vị trí cố định lại dựa trên những đặc trưng vật lý đó. Dewey tự hỏi: Tại sao không phân loại cuốn sách chỉ một lần mà thôi? Tại sao không gắn cho một cuốn sách một ký hiệu luôn đúng từ giá này sang giá khác, từ hàng này sang hàng khác, từ tòa nhà này sang tòa nhà khác? Những câu hỏi này luôn luôn ở trong đầu chàng sinh viên làm việc bán thời gian tại thư viện cho đến lúc tìm ra giải pháp - một năm trước khi tốt nghiệp đại học, 1873.

Hồi tưởng lại quá khứ, Dewey đã thuật lại những suy nghĩ của mình trong bài tiểu luận xuất bản năm 1920:

"Khi đi tham quan hơn 50 thư viện, tôi đã sửng sốt nhận ra sự thiếu hiệu quả cũng như lãng phí thời gian và tiền của do việc thường xuyên phải phân loại lại tài liệu, vì hầu hết mọi nơi đều sử dụng hệ thống vị trí cố định - một hệ thống mà một cuốn sách được đánh số theo phòng, theo tầng, và vị trí cụ thể trên giá kệ, nơi mà cuốn sách tình cờ được đặt vào ngày hôm ấy; thay vì được đánh số theo ký hiệu phân loại phản ánh chủ đề của cuốn sách mà nó luôn luôn đúng cho dù hôm qua, hôm nay, hay cả sau này. Lại thêm những phung phí vì sự trùng lặp công việc trong việc xử lý một cuốn sách mới của mỗi thư viện trong số 1000 thư viện, thay vì làm điều này một lần cho tất cả các thư viện tại một địa điểm tập trung nào đó".

Dewey đã suy nghĩ về vấn đề này suốt ngày này qua ngày khác. Sau đó theo như chuyện kể, vào một buổi sáng Tháng 5/1873, khi ông đang ngồi trong nhà thờ Amherst dự buổi lễ chịu ơn tôn giáo, một ý tưởng lóe lên trong đầu ông đã giải quyết dứt điểm vấn đề này:

"Sau nhiều tháng nghiên cứu, một ngày chủ nhật trong suốt bài giảng đạo dài của Cha xứ Stearms, tôi ngồi nhìn chằm chằm vào ông ta mà không nghe một lời nào, đầu óc tôi bị cuốn hút bởi vấn đề sống còn ấy, giải pháp đã lóe lên làm cho tôi nhảy khỏi chỗ ngồi và suýt hét lên "Tôi tìm ra rồi!". Nó thật hoàn toàn đơn giản bằng cách sử dụng những ký hiệu đơn giản nhất đã biết - dùng các con số Ả rập để đánh số phân loại tất cả tri thức của con người..."

Như vậy Dewey đã quyết định sử dụng số thập phân để biểu thị chủ đề của cuốn sách chứ không dùng số nguyên bình thường để đại diện cho vị trí sách trong không gian, vd.: 1,2,3,... đại diện cho cuốn sách thứ nhất, thứ hai, thứ ba mà thư viện có được trong một chủng loại nào đó. Phát minh của Dewey về vị trí tương đối đã làm cho ông không cần phải đánh số lại cho sách khi số sách tăng lên vì ông đã đánh số những cuốn sách theo nội dung tri thức của chúng chứ không theo vị trí vật lý.

Dewey đã phân chia tri thức nhân loại thành 10 môn loại chính, mỗi môn loại chia ra 10 phân mục, mỗi phân mục chia ra 10 phân đoạn, và tiếp tục dùng những số thập phân để phân nhánh. Thế giới tri thức được sắp xếp theo hệ phân cấp từ các chủ đề lớn nhất đến hẹp nhất biểu thị bằng hệ thống ký hiệu trong bảng phân loại. Dewey đã dùng các con số Ả rập từ 0-9 trên mỗi mức của hệ phân cấp nầy. Ví dụ 3 đại diện cho Khoa học xã hội, 34 - Luật, 341 - Luật quốc tế, 341.6 - Luật chiến tranh quốc tế, và... . Mỗi con số thêm vào sẽ diễn đạt chi tiết hơn đối với nội dung của cuốn sách, và đặt nó bên cạnh những cuốn sách khác có cùng chủ đề hay chủ đề liên quan. Mỗi số thập phân cung cấp trật tự tuyến tính cho các chủ đề của toàn bộ thư viện. Đó là một ý tưởng đơn giản và là một ý tưởng đổi mới hoàn toàn.

Vào ngày 8/5/1873, Dewey đã đệ trình kế hoạch này lên Hội đồng Trường ĐH Amherst và được chấp thuận áp dụng ý tưởng của ông trong việc tổ chức sắp xếp và phân loại toàn bộ kho tư liệu, áp dụng mục lục chủ đề. Công trình của ông đã tạo ra một cuộc cách mạng trong Khoa học Thư viện và khởi động một thời đại mới của Ngành Thư viện. Melvil Dewey xứng đáng là cha đẻ của Ngành Thư viện hiện đại.

Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1874, ông làm quản thủ thư viện ĐH Amherst trong hai năm. Năm 1876 hệ thống phân loại của ông lần đầu tiên được xuất bản với nhan đề là "Phân loại và chỉ mục đề mục cho công tác biên mục và sắp xếp sách của một thư viện" . Dó là một tập sách mỏng 42 trang được in 1.000 bản. Bảy năm tiếp theo ông đến sinh sống tại Boston, Massachusetts và đã tập trung sức lực và trí tuệ của mình vào việc chuyển đổi công tác thư viện từ một nghề đến một ngành hiện đại.

Từ năm 1883-1888 ông là quản thủ thư viện Viện ĐH Columbia, New York và tại đó ông đã xây dựng trường dạy nghiệp vụ thư viện đầu tiên ở Hoa kỳ (1/1/1887). Ông trở thành nhà tiên phong trong giáo dục thư viện. Khi ông chuyển đến thủ phủ Albany vào năm 1888 để đảm nhận chức giám đốc thư viện Bang New York, trường thư viện được tiếp tục hoạt động ở Albany với danh xưng là Trường Thư viện Bang New York (Trường được trở lại Viện ĐH Columbia vào năm 1926). Trong thời gian ở Albany, ông là thư ký Hội đồng quản trị ĐH Bang New York (1888-1906).

Ông là một người sáng lập Hội Thư viện Hoa kỳ (ALA) vào năm 1876. Hiện nay ALA là một Hội thư viện lớn nhất thế giới với 57.000 hội viên từ 93 quốc gia. Ông giữ chức thư ký đầu tiên của ALA từ 1876-1890 và chủ tịch trong các nhiệm kỳ 1890-1891 và 1892-1893. Ông cũng là một trong những người sáng lập và biên tập các tạp chí "Tạp chí Thư viện"  (1876-1881) và "Sổ tay Thư viện" (1886-1898). Ông là người thúc đẩy việc chuẩn hóa nghiệp vụ thư viện và đã thành lập một Văn phòng tư vấn về thư viện và sau này trở thành Cục Thư viện Hoa kỳ (1905).

Dewey là một nhà cải cách và là người truyền cảm hứng cho người khác làm công việc của mình. Vốn kiến thức và công trình của ông rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, ông được mọi người biết đến chủ yếu là do Hệ thống phân loại thập phân mang tên ông. Ông mất do một cơn đột quị vào ngày 26/12/1931 tại Hồ Placid, Florida. Trong thời gian Dewey còn sống Hệ thống phân loại thập phân của ông được xuất bản 12 lần, trong đó ấn bản lần thứ hai (1885) là quan trọng nhất vì đã đặt nền móng cho việc thiết lập hình thức và chính sách cho 65 năm tiếp theo.

Lần xuất bản thứ 13 vào năm 1932 của Hệ thống phân loại thập phân lần đầu tiên mang tên ông, được xem là lần xuất bản tưởng niệm Dewey. Ần bản 16 được xuất bản năm 1958 bắt đầu có sự hỗ trợ của Thư viện quốc hội Hoa kỳ dưới sự lãnh đạo biên tập của Benjamin A. Custer. Ần bản 20 được xuất bản năm 1989 do biên tập chính là John P. Comaroni với 4 tập. Ần bản mới nhất là DDC 21 được xuất bản vào năm 1996 do biên tập chính là Joan S. Mitchell. Hiện nay DDC được xuất bản bởi Forest Press, trụ sở tại Albany, New York. Năm 1988, Forest Press trở thành một bộ phận của OCLC (Trung tâm Thư viện máy tính trực tuyến).

Bảy thập kỷ sau ngày ông mất, Dewey vẫn còn nổi bật trong ngành thư viện. Hệ thống phân loại thập phân ngày nay có tên quen thuộc là DDC với ấn bản đầy đủ 21 (1996), ấn bản tóm lược 13 (1997), Dewey for Window (1996), và WebDewey (2000) đang được sử dụng rộng rãi trong 200.000 thư viện ở 135 quốc gia trên thế giới; được dịch trên 30 ngôn ngữ, đang tiến hành dịch 11 ngôn ngữ khác, và 2 ngôn ngữ đang thương lượng để dịch là Đức và Việt nam; được dùng trong 59 thư mục quốc gia trong đó có 15 quốc gia vùng Châu Á-Thái bình dương; tương thích trong WorldCat (Mục lục quốc tế).

Tại Việt nam, trước năm 1998 chỉ có vài thư viện sử dụng DDC. Kể từ khi Câu lạc bộ Thư viện được thành lập vào Tháng 11/1998 đã quảng bá DDC và tổ chức nhiều khóa tập huấn sử dụng, nhiều thư viện mới thành lập cũng như một số thư viện khác đã chuyển dần sang sử dụng DDC. Hiện nay hầu hết các thư viện trong ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin-Thư viện ĐHQG Hà nội, cũng như đa số các Thư viện ĐH và Viện nghiên cứu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận đều sử dụng DDC.

TÀI LIỆU THAM KHẢO