KHOA ĐIỆN TỬ - VIỄN THÔNG

KHOA ĐIỆN TỬ - VIỄN THÔNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

 

Nguyễn Hữu Phương

Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên

 

 

I. CÁC CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC

 

Khoa Điện Tử - Viễn Thông được Giám Đốc Đại Học Quốc Gia TPHCM ra quyết định thành lập ngày 19 tháng 6 năm 2006. Thật ra Khoa có nguồn gốc khá lâu đời, có thể xem như bắt đầu từ năm 1956 với tên Ban Điện tử tại Khoa học Đại Học đường thuộc Viện Đại Học Sài Gòn .

Các chuyên ngành đào tạo là:

1. Điện tử (Electronics): Trọng tâm là vi điện tử, điện tử nano, thiết kế điện tử.

2. Máy tính và mạng (Computer and Network): trọng tâm là kiến trúc bộ xử lý, kiến trúc máy tính, an ninh mạng và cơ sở dữ liệu, hệ thống nhúng.

3.Viễn thông (Telecommunication) hay truyền thông (Communication) :Trọng tâm là truyền thông đa truy cập, không dây, di động.

4. Điện tử y-sinh (Biomedical Electronics) : Trọng tâm là các phương pháp đo đạc và xử lý tín hiệu kết hợp điện tử với tin học, cấu trúc thiết bị.

 

II.TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH ĐIỆN TỬ - VIỄN THÔNG

 

      Tóm lược tình hình qua một số sự kiện sau:

Về điện tử

-          Xuất khẩu điện tử (và linh kiện máy tính) của Việt Nam đạt 1,5 tỷ đôla / năm

-          Công ty Nidec (Nhật) đã và sẽ đầu tư đến 1 tỷ đôla

-          Đại học Quốc Gia TPHCM và Khu Công Nghệ Cao TPHCM phát triển Công nghệ nano, vi mạch, thiết kế vi mạch

-          (Theo GS Đặng Lương Mô) Công nghiệp bán dẫn và linh kiện điện tử đã vượt qua hai ngành công nghiệp truyền thống khổng lồ là sắt thép và ôtô.

Về máy tính

-          Công ty Cannon (Nhật) đầu tư nhà máy sản xuất máy in lớn nhất thế giới

-          Công ty Intel đầu tư chỉ một giai đoạn 1 tỷ đôla ở khu Công Nghệ Cao TPHCM

-          Đã hình thành một số thương hiệu máy tính mạnh của thương hiệu Việt Nam .

Về viễn thông

-          Trên thế giới hiện nay ngành công nghiệp viễn thông đang ở vị trí thứ ba sau ngành hàng không và ngân hàng nhưng sẽ có thế tiến lên chiếm vị trí số 1

-          Viễn thông của Việt Nam phát triển vào loại nhanh nhất thế giới, doanh thu từ dịch vụ viễn thông và internet của Việt Nam sẽ đạt 3,5 tỉ đôla / năm và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Về y-sinh

       Ngành công nghệ sinh học và ngành y tế phát triển rất nhanh và là mũi nhọn của nhiều nước .Các thiết bị thuộc loại công nghệ cao mắc tiền trong đó điện tử và tin học là hai thành phần quan trọng (khoa sẽ mở chuyên ngành điện tử y-sinh trong năm 2007).

      Tổng quan tóm lược tình hình ở trên cho thấy các chuyên ngành đào tạo của Khoa cấu thành một tỉ trọng đáng kể của nền kinh tế thế giới cũng như quốc gia , ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt toàn xã hội, công nghệ, công nghiệp, dịch vụ và thương mại liên quan đến các chuyên ngành sẽ tiếp tục phát triển mạnh , nhu câù tuyển dụng cao.

 

III. HỢP TÁC

 

      Hợp tác với bên ngoài để có thêm công nghệ, thiết bị, đầu ra cho sinh viên .

1. Hợp tác với Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin thuộc Sở Bưu chính viễn thông về Trung tâm thiết kế điện tử TPHCM (Trung tâm này do Sở Khoa học công nghệ đầu tư gần 14 tỷ gồm mạng máy tính cao cấp và phần mềm bản quyền của Công ty Cadence Hoa Kỳ ). Trung tâm ban đầu đặt ở Công viên phần mềm Quang Trung , đầu năm 2006 được dời về Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên.

2. Hợp tác với Công ty Việt kiều PSD (Công viên phần mềm Quang Trung), đại diện của Công Ty AWR Hoa kỳ thành lập Trung Tâm Thiết kế cao tần và không dây (phần mềm bản quyền trị giá 1 triệu USD chỉ tính giá vài phần trăm cho mục đích đào tạo).

3.   Hợp tác với Công ty Ngân Giang Hà Nội, đại diện Công ty Xilinx Hoa Kỳ, lập Phòng thí nghiệm linh kiện logic khả trình và hệ thống nhúng, gồm phần mềm bản quyền và thiết bị (đầu tư từng bước, và dự kiến sẽ đạt trị giá trên vài chục ngàn USD).

4.   Hợp tác với Công ty LSI Việt – Nhật thành lập Câu lạc bộ điện tử (gồm thiết bị và phần mềm) để đào tạo sinh viên cho nhu cầu tuyển dụng của LSI . Hiện tại quy mô khá nhỏ nhưng có triển vọng sẽ mở rộng.

5.   Cựu sinh viên Điện tử đã tự nguyện đóng góp xây dựng một phòng máy tính nối mạng tặng Khoa Điện tử - Viễn thông nhân ngày thành lập 19/6/2006.

 

IV. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

 

      Trong 2 năm qua ngay trong thời kỳ chuẩn bị thành lập Khoa đã có chuyển biến rõ rệt trong NCKH và đã có một số kết quả ban đầu khả quan. Các cán bộ đã kết thúc 3 đề tài NCKH cấp trọng điểm ĐHQG TPHCM, 1 đề tài NCKH cấp Bộ, nhiều đề tài khác ở cấp thấp hơn. Kết quả đã đạt được 5 giải thưởng (1 giải nhì và 1 giải khuyến khích Hội thi sáng tạo VIFOTEC, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích Hội thi sáng tạo Kỹ thuật TPHCM), và nhiều báo cáo hội nghị, nhiều bài báo ở Tạp chí khoa học công nghệ.

Các hướng nghiên cứu khoa học của khoa là :

  1. Giao tiếp máy tính và mạng, thu nhận và xử lý tín hiệu
  2. Ứng dụng các phương pháp phân tích thống kê và biến đổi trong viễn thông, y học
  3. Thiết kế điện tử, thiết kế vi mạch
  4. Mô phỏng các linh kiện điện tử nano

 

V TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

 

Một số hướng trước mắt là :

1.       Chuẩn bị mở chuyên ngành cao học Vi điện tử do GS Đặng Lương Mô chủ trì và hợp tác với Đại học Tokyo và một số tổ chức khác …Đây là chuyên ngành đào tạo cao học thứ hai của Khoa.

2.       Với sự chủ động của Khoa Công Nghệ Thông Tin, Khoa Điện tử - Viễn thông sẽ tham gia hợp tác với Công ty Renesas (khu chế xuất Tân thuận) và công ty Toyota (Nhật).

3.       Hợp tác với Khoa Sinh học để xây dựng chuyên ngành điện tử y-sinh và NCKH.

4.       Các hợp tác khác trong khuôn khổ của trường và ĐHQG…

Tuyển sinh khoá 2005 và khoá 2006 thành công, nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp cao, ngành điện tử - máy tính - Viễn thông đang phát triển mạnh, Khoa đã có các hợp tác ban đầu tốt, thành tích NCKH hai năm qua cao hơn bao giờ hết , cơ sở vật chất và đội ngũ được cải thiện nhanh, Khoa tổ chức ngay hội cựu sinh viên và sinh viên (ngày 18/11/2006) hiệu quả …nên có thể nói tiềm năng phát triển của Khoa Điện tử - Viễn thông rất hiện thực .